Máy khử rung tim: Kiểm soát nhịp tim bất thường | Wellbeing
Máy khử rung tim hay còn gọi là máy defibrillator, là một thiết bị y tế được thiết kế để phục hồi nhịp tim bình thường trong các trường hợp khẩn cấp về rối loạn nhịp tim. Những người bị rối loạn nhịp tim có thể được giúp đỡ tại bệnh viện hoặc những nơi có máy khử rung tim ngoài tự động. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim đe dọa tới tính mạng, cần trang bị máy khử rung tim bên mình.
Máy khử rung tim là gì?
Máy khử rung tim là một thiết bị y tế đặc biệt. Thiết bị này có khả năng phân tích nhịp tim và tự động đưa ra quyết định xem có cần sốc điện hay không, giúp tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Khi tim ngừng đập, nguyên nhân phổ biến nhất là do rối loạn nhịp tim bất thường, đặc biệt là rung thất. Máy khử rung tim được sử dụng để điều chỉnh lại nhịp tim bằng cách sốc điện.
Máy khử rung tim được thiết kế nhỏ gọn.Có hai loại máy khử rung cơ bản là loại máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED) và máy khử rung tim cấy ghép (ICD). Ngoài ra còn có máy khử rung tim cầm tay, thường được sử dụng trong bệnh viện, dạng máy này có thể điều chỉnh chế độ sốc điện bởi các nhân viên y tế chuyên nghiệp.
Máy khử rung tim tự động (AED) có đặc điểm dễ sử dụng, thường được đặt ở các nơi công cộng như sân bay, trường học, trung tâm thương mại. Máy có chức năng tự động phân tích nhịp tim và đưa ra hướng dẫn cho người sử dụng. Người không có chuyên môn về y khoa cũng có thể sử dụng.
Máy khử rung tim cấy ghép (ICD) là thiết bị nhỏ, chạy bằng pin được cấy vào cơ thể bệnh nhân. Máy có chức năng theo dõi nhịp tim và tự động cung cấp phương án sốc điện khi phát hiện nhịp tim bất thường, giúp phòng ngừa ngưng tim.
Tầm quan trọng của máy khử rung tim
Ngừng tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Thời gian quyết định trong các tình huống này, và mỗi phút trôi qua mà không có can thiệp y tế sẽ làm giảm khả năng sống sót của bệnh nhân. Khi bệnh nhân ngừng tim, mỗi giây trôi qua đều quý giá. Nhiều phương pháp điều trị truyền thống như thuốc hoặc phẫu thuật thường chỉ được thực hiện trong môi trường bệnh viện, làm giảm cơ hội cứu sống trong các tình huống khẩn cấp.
Máy khử rung tim giúp: Phân tích tình trạng tim và cung cấp hướng dẫn cho người dùng. Đối với máy khử rung tim cấy ghép có thể tự động phân tích và cung cấp sốc điện kịp thời có thể phục hồi nhịp tim, tăng khả năng sống sót cho người bị nạn.
Cách sử dụng máy khử rung tim
Đối với dòng máy khử rung cấy trong cơ thể (ICD) có hai loại. Máy khử truyền thống được đặt trong ngực, Từ máy khử rung, một hoặc nhiều dây dẫn điện sẽ được gắn vào tĩnh mạch đưa tới tim. Một loại khác được thiết kế để đặt dưới da ở bên ngực (S-ICD), giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng so với các máy khử rung tim cấy ghép truyền thống. Một trong những ưu điểm nổi bật là S-ICD không yêu cầu cấy điện cực vào trong buồng tim giúp giảm nguy cơ biến chứng và dễ dàng hơn trong quy trình cấy ghép.
Thiết bị khử rung tim ICD và S-ICD đều có chức năng theo dõi nhịp tim tự động, liên tục và có khả năng tự sốc điện để khôi phục nhịp tim bình thường. Còn đối với máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED), có hướng dẫn bằng giọng nói và hình ảnh giúp người sử dụng thực hiện các bước cần thiết một cách chính xác. Khi được bật, máy sẽ tự động phân tích nhịp tim của bệnh nhân để xác định xem có cần thiết phải cung cấp sốc điện hay không. Các bước khi sử dụng máy khử rung tự động bên ngoài:
- Gọi cấp cứu: Ngay khi phát hiện người bị ngừng tim, hãy gọi ngay số điện thoại cấp cứu.
- Khởi động máy: Bật máy khử rung tim và làm theo hướng dẫn trên màn hình.
- Đặt điện cực: Đặt các miếng điện cực lên ngực bệnh nhân theo chỉ dẫn. Đặt miếng điện cực đầu tiên ở phía bên phải ngay dưới xương đòn của người bị nạn. Miếng thứ hai đặt bên trái dưới nách nạn nhân. Chú ý đặt miếng điện cực theo trục dài dọc theo trục từ đầu đến chân của cơ thể nạn nhân.
- Phân tích nhịp tim: Đợi máy phân tích nhịp tim. Nếu cần sốc điện, đảm bảo không ai chạm vào bệnh nhân.
- Cung cấp sốc điện: Nhấn nút để máy thực hiện sốc điện nếu được yêu cầu.
- Tiếp tục hồi sức: Nếu cần, thực hiện hô hấp nhân tạo và tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh nhân cho đến khi có sự hỗ trợ từ nhân viên y tế.
Một số lưu ý khi sử dụng máy khử rung tim
- Đối với các dòng máy ICD: Liên hệ ngay với bác sĩ nếu gặp phải những dấu hiệu bất thường về vết thương để tránh nhiễm trùng. Hoặc hoặc các tình trạng như đau ngực, chóng mặt sau khi cấy ghép thiết bị. Tránh tiếp xúc với các thiết bị chứa nam châm, hay một số thiết bị có thể gây nhiễu nhịp tim hoặc các thiết bị có từ trường và dòng điện lớn để tránh ảnh hưởng máy ICD.
- Kiểm tra thường xuyên: Nếu sử dụng máy khử rung trong cơ thể, lưu ý vẫn tiếp tục sử dụng kết hợp thuốc theo đơn của bác sĩ. Sắp xếp gặp bác sĩ thường xuyên để đảm bảo máy khử rung hoạt động bình thường.
- Đối với dòng máy AED: Khi sử dụng tránh việc chạm vào nạn nhân làm ảnh hưởng đến quá trình phân tích của máy cũng như có nguy cơ điện giật. Không tắt máy AED hoặc tháo các bản điện cực ra khỏi cơ thể nạn nhân vì tình trạng ngừng tim có thể tái diễn.
- Trang bị sẵn máy AED: Các cơ sở như trường học, sân vận động hay trung tâm thương mại cũng như những cá nhân có triệu chứng về rối loạn nhịp tim nên có máy khử rung tim để đảm bảo an toàn cho mọi người. Tổ chức các khóa đào tạo sử dụng máy khử rung tim có thể giúp cộng đồng sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Máy khử rung tim là một thiết bị cứu sinh quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp liên quan đến tim mạch. Máy khử rung tim giúp bảo vệ an toàn cho bệnh nhân và cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tử vong do các vấn đề tim mạch nghiêm trọng. Ngoài những trường hợp được cấy ghép máy khử rung tim, việc nâng cao hiểu biết và trang bị máy khử rung tim không chỉ cứu sống mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn sức khỏe.
Bình luận:
Không có bình luận nào cho bài viết.